DANH MỤC TOUR    
DA NANG XANH
tour ghep da nang
Thuê xe du lịch Đà Nẵng

Khám phá nghề làm đồ chơi Trung thu Yên Mỹ Hưng Yên

Cứ đến dịp Trung thu, làng nghề truyền thống chuyên làm đồ chơi ở Hưng Yên lại rôm rả hơn bình thường. Làng nghề làm đồ chơi Trung thu Yên Mỹ Hưng Yên đã có từ bao đời nay và vẫn được lưu truyền tới tận bây giờ.

Ở Hưng Yên có rất nhiều làng nghề truyền thống như làng tương Bần, làng nghề hương xạ Thôn Cao... Một làng nghề nổi tiếng không kém chính là làng nghề làm đồ chơi Trung thu Yên Mỹ Hưng Yên. Những món đồ chơi hoàn toàn thủ công được làm khéo léo như một món quà Trung thu dành cho con trẻ đầy ấm áp. 
1. Nghề làm đồ chơi Trung thu Yên Mỹ Hưng Yên danh bất hư truyền 
1.1. Địa chỉ làng nghề làm đồ chơi Trung Thu 
Tại Hưng Yên, làng Ông Hảo là làng nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống nổi tiếng khắp nước ta. Đến nay, làng nghề này đã tồn tại hơn 60 năm, cứ mỗi năm vào dịp Tết Trung thu, cả làng lại tất bật sản xuất những món đồ chơi truyền thống gắn liền với trẻ em ngày xưa.
Làng Ông Hảo nằm ở xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, cách trung tâm TP Hưng Yên và TP Hà Nội chỉ hơn 34km. Do khoảng cách gần, đi lại thuận tiện nên nhiều người tìm tới đây để mua những món đồ chơi truyền thống độc đáo tặng con em mình mỗi khi đến dịp Tết Trung thu. 


Ảnh: Tổ Quốc

1.2. Đường tới làng nghề Ông Hảo 
Theo kinh nghiệm đi Hưng Yên, với khoảng cách 34km, nếu xuất phát từ Hà Nội, bạn chỉ mất chưa đầy 1 tiếng để tới đây. Du khách cứ đi theo hướng cầu Vĩnh Tuy, đến ngã tư rẽ vào Quốc lộ 5, tiếp tục đi thẳng về Phố Nối rồi rẽ phải vào đường 39 là đến.
Đoạn gần vào làng ông Hảo Hưng Yên thì bạn có thể hỏi đường người dân địa phương. Ở đây ai cũng biết đến thôn này, người dân lại mến khách, thân thiện sẽ chỉ bạn tới tận nơi. 
Nếu xuất phát từ TP Hưng Yên, quãng đường 35km cũng chỉ mất khoảng 45 phút di chuyển mà thôi. Du khách đi theo Quốc lộ 39A, qua trạm thu phí Yên Mỹ thì rẽ phải sau đó cứ đi thẳng nữa là sẽ tới làng ông Hảo Hưng Yên. Đường đi đẹp, thuận lợi, có thể dùng google maps để tra cứu dễ dàng. 
1.3. Khám phá thủ phủ đồ chơi Trung thu truyền thống 
Làng nghề làm đồ chơi Trung thu Yên Mỹ Hưng Yên được hình thành vào khoảng cuối những năm 80, đầu 90 của thế kỷ trước. Đến nay, làng nghề cũng tồn tại được hơn 60 năm, các mặt hàng đồ chơi Trung thu do chính người thợ thủ công ở đây làm nên đều được đưa đi khắp tỉnh thành trên cả nước phục vụ dịp rằm tháng 8. 
Ngay từ khi bước qua chiếc cổng làng đã nhuốm màu thời gian, hỏi bất kỳ ai về những hộ làm đồ chơi Trung thu người dân có thể kể tên vách vách và dẫn bạn đến từng nhà. Dưới những căn nhà ba gian đặc trưng của làng quê vùng Bắc Bộ là những nghệ nhân đang ngày đêm tỉ mỉ, bền bỉ gắn bó với công việc làm đồ chơi truyền thống cho dịp Trung thu. Trước đây, hầu như người trong làng Ông Hảo nào cũng làm nghề này nhưng đến nay chỉ còn khoảng hơn chục hộ. 
Khi đồ chơi điện tử, đồ chơi Trung Quốc xuất hiện rộng rãi, cuộc cạnh tranh càng trở nên gắn gao, nhiều người đã phải bỏ nghề để mưu sinh công việc khác. Con số nghệ nhân giữ lửa nghề dù không nhiều nhưng cũng đủ để họ hãnh diện về một làng nghề truyền thống bấy lâu nay. 
Tại làng nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống ở Hưng Yên này, từ đôi bàn tay khéo léo, từ kinh nghiệm hàng chục năm họ tạo nên các sản phẩm nào là đèn ông sao, bưng trống, đắp mặt nạ, đầu sư tử... 
Từ các nguyên liệu đơn giản như nứa, bìa carton, tre, giấy phiếu liệu... lại được phù phép để chế biến thành hàng trăm, hàng nghìn chiếc mặt nạ màu sắc, từ ông Địa, chú Tễu tới thằng Bờm, Trư Bát Giới hay mặt nạ con vật... Tất cả đều hoàn toàn thủ công.
Để tạo nên chiếc mặt nạ giấy bồi, tưởng chừng như đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Từng nét vẽ đều được thể hiện hết sức tinh tế và tỉ mỉ, đòi hỏi sự điều luyện, kinh nghiệm dày dặn và khiếu thẩm mỹ từ người thợ. 
Có những hộ tại làng nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống ở Hưng Yên đã gắn bó tới 3 đời. Mỗi năm cứ vào dịp này lại được các đại lý từ khắp nơi trong cả nước như Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định... đặt hàng tới vài chục nghìn chiếc. 
Dù công nghệ phát triển hiện đại nhưng người dân làng nghề Ông Hảo vẫn làm 100% thủ công, bắt đầu từ việc xe giấy đắp theo khuôn mặt nạ xi măng, tiếp đó bồi phôi bằng giấy mộc, sau đó phơi khô, đến cắt viền và cuối cùng vẽ sơn màu. 
Khó nhất trong quy trình để tạo nên một chiếc mặt nạ giấy bồi ắt hẳn vẫn là bước vẽ tạo hình. Các chi tiết nhỏ nhặt như khóe mắt, nụ cười, bờ môi, vành khăn, sống mũi... đều phải được thể hiện sao cho có hồn và mang dáng dấp thuần Việt.  


Ảnh: QĐND

Sau đó, các nghệ nhân sẽ sử dụng gam màu tươi sáng, sống động để tạo nên sự gần gũi, thân thuộc với cả trẻ nhỏ và người lớn. Cũng như các sản phẩm truyền thống khác, mặt nạ giấy bồi phản ánh những mong ước của người dân Việt về cuộc sống no đủ, hạnh phúc. 
So với mặt nạ hình người, mặt nạ đầu lân, đầu sư tử nhiều chi tiết và khó vẽ hơn nên cũng có giá thành cao hơn. Trung bình, mỗi chiếc mặt nạ tại làng nghề làm đồ chơi Trung thu Yên Mỹ Hưng Yên tạo nên có giá từ 35.000 đến 50.000 đồng.
Trống gỗ thủ công cũng là một trong những sản phẩm đầy tự hào của làng nghề Ông Hảo. Thời gian đầu khi chưa có máy móc để làm thân trống, tất cả đều phải làm bằng tay nên tốn rất nhiều thời gian. Ngày nay, với máy cắt, thời gian được rút ngắn hơn nhiều, hiệu quả đem lại cũng cao hơn. 
Để tạo nên được một chiếc trống phục vụ dịp Trung thu, người thợ làng nghề phải chuẩn bị từ trước đó rất lâu. Họ nhập da trâu bò từ nơi khác về, cắt thành từng tảng thật đều rồi ngâm với nước vôi từ 5-7 ngày để tẩy màu. Trong lúc ngâm da phải trở mặt liên tục để nước ngấm đều, da không bị loang lổ. 
Phần thân trống làm từ gỗ mỡ hoặc gỗ bồ đề vì dễ đục đẽo tạo hình. Đến đầu tháng 6 âm lịch, làng Hảo bắt đầu vào vụ làm trống gỗ. Khi da đạt tới đủ yêu cầu sẽ được vớt ra, phơi khô, cắt thành miếng tròn rồi mang đi ghép với thân trống. 
Trong tất cả các công đoạn làm trống, bước đóng mặt trống hay còn gọi là bưng trứng đòi hỏi sự khéo léo nhất. Người thợ phải làm để mặt trống không được quá căng hay quá trùng thì tiếng trống sẽ vang hơn. Thợ lành nghề chỉ mất 5 phút để bưng xong một chiếc trống nhưng thợ mới sẽ phải tốn thời gian hơn.
Trống được bưng xong, người thợ lại đem phơi khô với nắng trong 1-2 ngày, sau đó mới quét sơn, vẽ hoa văn bắt mắt. Giá từ 15.000 - 40.000 đồng/chiếc trống tuỳ kích cỡ.
Khách du lịch khi tới làng nghề làm đồ chơi Trung thu Yên Mỹ Hưng Yên này sẽ được tìm hiểu về quy trình tạo nên một sản phẩm đồ chơi truyền thống, nghe những câu chuyện về niềm đam mê, sự yêu nghề của các nghệ nhân. 
Ngoài ra, bạn có thể tham gia vào việc vẽ, sáng tạo nên những chiếc mặt nạ giấy bồi của riêng mình hoặc học cách căng da trống, sơn màu cho thân trống... vừa thú vị vừa có sản phẩm đẹp mang về làm quà sau chuyến đi.


Ảnh: Nhân dân

2. Các làng nghề truyền thống nổi tiếng khác ở Hưng Yên
Không chỉ có nhãn lồng, các ngôi chùa cổ, tại Hưng Yên còn lưu giữ rất nhiều điều tốt đẹp từ cha ông để lại, nổi bật đó là các làng nghề truyền thống. Ngoài làng nghề làm đồ chơi Trung thu tại làng Ông Hảo, trong chuyến du lịch Hưng Yên, bạn đừng quên ghé thăm những làng nghề dưới đây. 
2.1. Làng tương Bần 
Một cái tên làng nghề truyền thống ở Hưng Yên được biết đến nhất nhất chắc chắn pahri kể tới làng làm tương thôn Bần, xã Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào. Chỉ cách Hà Nội khoảng 25km, đây là địa điểm lý tưởng để bạn ghé thăm, trải nghiệm và mua các sản phẩm tương ngon. 
Tương bần ở Hưng Yên mang hương vị đặc trưng, chỉ cần nếm thử là có thể nhận ra. Đó là hương vị thơm của đỗ tương hòa quyện với gạo nếp, vị đậm đà của muối và ánh vàng nâu óng ánh bắt mặt. Hương vị này đã trở thành niềm tự hào của người dân Hưng Yên và góp phần tạo nên sự thành công của không biết bao nhiêu món ngon. 
Để làm tương ngon thì công tác chuẩn bị từ nguyên liệu đến kỹ thuật pha chế, công tác ủ đều rất quan trọng và tỉ mỉ. Một điều đặc biệt là tương ủ càng lâu sẽ càng ngon, màu sắc sẽ càng bắt mắt. 
2.2. Làng hương xạ Thôn Cao 
Làng làm hương Thôn Cao cũng là làng nghề truyền thống ở Hưng Yên, thuộc địa phận xã Bảo Khê, TP Hưng Yên, cách Hà Nội hơn 40km. Hương ở đây nổi tiếng với mùi nhẹ thanh, thơm lâu mà hiếm nơi nào có được. 
Vào những ngày cuối mùa xuân, chỉ cần đi dọc làng, bạn sẽ bắt gặp cảnh người dân Thôn Cao phơi hương đầy ngõ, khắp nơi đều phảng phất mùi của hương, của thuốc bắc và thảo mộc. Mỗi gia đình ở thôn đều có một công thức chế biến hương riêng theo bí kíp gia truyền nên đa phần nhân công sản xuất đều là người trong dòng họ. Hiện nay, ở thôn Cao có khoảng 200 hộ gia đình còn gắn bó với nghề làm hương truyền thống, ngoài ra còn có hương vòng, hương nén, hương sào... 
Đến nay, thôn Cao là làng nghề sản xuất hương lớn bậc nhất khu vực miền Bắc, còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới như Campuchia, Ấn Độ, Trung Quốc…
Làng nghề làm đồ chơi Trung thu Yên Mỹ Hưng Yên đòi hỏi sự sáng tạo và đam mê của người thợ. Tới đây bạn như được trở về với những giá trị truyền thống đang dần mai một trong cuộc sống hiện đại.
Theo Báo Thể Thao Việt Nam

Tour Đà Nẵng 4 ngày 3 đêmTour Đà Nẵng 3 ngày 2 đêm

Danh mục tour