Những mốc thời gian
Sau trận mưa lịch sử hôm 14/10, đường lên đỉnh đèo Hải Vân nhiều điểm sạt lở nham nhở, đất đá ngổn ngang. Dù đường sá trắc trở, đầy hiểm nguy và Hải Vân Quan đang được rào chắn để phục vụ tôn tạo, trùng tu, phục dựng, nhưng du khách vẫn nườm nượp lên ngó nghiêng, vãng cảnh.
Tháng 4/2017, Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế hợp tác cứu lấy những gì còn sót lại của Hải Vân Quan trước nguy cơ đổ sập. Ngành văn hóa hai địa phương đã ký cam kết phối hợp trùng tu, bảo tồn. Tháng 5/2017, Đà Nẵng và Huế cùng tổ chức đón nhận Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt cho Hải Vân Quan.
Năm 2018, một đợt khảo cổ quy mô được bắt đầu, phát hiện nhiều dấu tích nền móng, tường thành thời nhà Nguyễn, cùng con đường thiên lý độc đáo làm tiền đề cho công cuộc hồi sinh Hải Vân Quan. Trên cơ sở khảo cổ, cùng hình ảnh tư liệu quý, nhiều hội thảo, họp bàn lấy ý kiến các chuyên gia về phương án, cách thức trùng tu, bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan đã được tổ chức. Tháng 12/2021, dự án trùng tu, bảo tồn, phục dựng Hải Vân Quan được khởi công trong tiếng chuông, trống ngân vang giữa đỉnh đèo nơi phân chia địa giới Đà Nẵng - Huế. Ngân sách thực hiện dự án hơn 42 tỷ đồng, do 2 bên cùng đóng góp theo đúng tỷ lệ 50:50.
Nâng niu từng viên đá
Sau lễ khởi công, công nhân, kỹ sư của Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Phân viện miền Trung (đơn vị chuyên trùng tu, tu bổ di tích văn hoá lịch sử) bắt tay vào công việc được giao. Nắng mưa thất thường, thời tiết khắc nghiệt nơi đỉnh đèo nhưng sau hơn 10 tháng thi công đến nay dự án đã thực hiện được khoảng 70% tiến độ. Dựa trên những nền móng di tích khảo cổ, những tường thành bằng đá quanh cổng Hải Vân Quan và Thiên hạ Đệ nhất hùng quan đã được dựng lên. Nhà Trú Sở đã xây xong phần thô chờ dựng kiến trúc gỗ, đường dạo xung quanh công trình đã được lát đá, cây leo đã được trồng để phủ xanh những khu vực kè chắn sạt lở. Và đặc biệt nhất, hơn 200m con đường thiên lý nằm phía TT-Huế đã rõ hình hài theo dấu vết quá trình khảo cổ ghi nhận. Con đường thiên lý lịch sử mở cõi của cha ông, đi vào sách sử bao người ước mơ một lần bước đi.
Từ ngày dự án khởi động, kỹ sư Phan Huy Tân “ăn sương, nằm gió” để giám sát và cùng anh em công nhân làm việc. Tỷ mẩn lựa từng viên đá để anh em công nhân đặt, xây nên tường thành theo dấu vết còn sót lại, anh Tân cho biết, dự án trùng tu, tôn tạo, phục dựng Hải Vân Quan không phải lớn về quy mô nhưng lại có ý nghĩa rất đặc biệt, vì đây là công trình “độc nhất vô nhị”. Do đó, việc tu bổ, tôn tạo và phục dựng phải làm hết sức cẩn thận, đảm bảo giống nhất so với những tư liệu, hình ảnh về Hải Vân Quan từ thời xa xưa còn lưu giữ.
Các giải pháp, phương pháp trùng tu đã được các chuyên gia đưa ra, tính toán và cân nhắc vì công trình này đã trải qua chiến tranh, biến cố lịch sử và cả sự bỏ bê thời gian dài dẫn đến xuống cấp. “Những công trình kiến trúc thời Nguyễn sẽ được phục dựng, bên cạnh đó những lô cốt thời Pháp, Mỹ cũng sẽ được sửa chữa để tăng tính kết nối lịch sử đối với thực thể kiến trúc. Những công trình thời Nguyễn và lô cốt thời Pháp được kết nối bằng những con đường dạo quanh tường thành đá rêu phong”, anh Tân nói.
Chỉ tay về một mảng tường đá nguyên gốc ngay cổng Hải Vân Quan mà các nhà khảo cổ đã phát hiện, anh Tân cho biết, trải qua chiến tranh và thời gian dài, toàn bộ tường thành của Hải Vân Quan hầu như đã đổ sập, chỉ còn đế móng. Những tường thành được phục dựng sẽ được làm giống y đúc mảng tường nguyên bản còn sót lại bằng cách sắp đá. “Đá lấy từ đâu?”. “Đá ngay tại chỗ, gom nhặt trên bề mặt xung quanh khu vực. Đó là những viên đá từ thời xa xưa cha ông đã đắp nên thành lũy nơi đây nhưng đã bị đổ ngã, đánh sập, vùi lấp. Bản thân những viên đá có tuổi đời hàng triệu năm. Mỗi viên đá đều có trong mình một câu chuyện. Gom đá xây thành là đang gom góp dấu tích ký ức xa xưa về Hải Vân Quan”, anh Tân nói.
Anh Tân cho biết, quá trình xây dựng, đá được để tự nhiên, không qua xử lý nên chỉ trong thời gian ngắn tường thành rêu đã mọc xanh, mang vẻ tự nhiên vốn có. Cổng Hải Vân Quan và Thiên hạ Đệ nhất hùng quan, cùng các công trình kiến trúc được tu bổ bằng gạch vồ, một loại gạch được làm từ đất và nung ở nhiệt độ thấp. Một lượng lớn gạch vồ cổ tuổi đời hơn 200 năm thu gom được trong quá trình thi công được tập kết và tái sử dụng trong quá trình tôn tạo.
Nếu thiếu sẽ đặt mua gạch vồ ở Huế chuyên dùng để xây dựng tu bổ các tường thành, lăng tẩm. Nâng niu viên gạch vồ cổ trên tay, anh Tân nói: “Xa xưa, cha ông ta gùi gánh vật liệu, băng rừng lên đây xây cổng, tường thành Hải Vân Quan là một kỳ tích, gian khổ, hy sinh đến nhường nào. Mỗi viên gạch, hòn đá nơi đây đều đáng trân trọng. Đó là những mảnh ghép lịch sử để Hải Vân Quan hồi sinh”.
Mai về Hải Vân…
Thi sĩ Lại Thanh Hà ngày ngày bắc ghế ngắm Hải Vân Quan, đọc những vần thơ mình sáng tác trong mây mù, sương, gió làm quà tặng du khách.
Mấy chục năm trước, thi sĩ “khùng” lên Hải Vân dựng lán, chăn bò và làm thơ. Lên đây, công việc đầu tiên ông làm là xây hồ trị thủy, tiêu năng để căn nhà tựa lưng vào núi tránh được dòng chảy, xói lở từ núi cao.
Hơn 30 năm gắn bó nơi đây, ông Hà tự nhận mình là “người yêu Hải Vân nhất thế giới”. Ở tuổi 72 và sức khỏe cũng đã yếu hơn nhưng ngày nào ông cũng đi nhặt rác, phân bò quanh khu vực để nơi đây luôn sạch đẹp. Khoảnh vườn của ông cây cối hoa lá chen kín lối vào là địa điểm “check in” không thể bỏ qua của du khách khi lên Hải Vân Quan. “Sống được bao nhiêu năm nữa đâu. Nhưng còn sống là hãy còn sống vui sống đẹp để đời luôn xuân”, ông cười đùa.
Nhìn về Hải Vân Quan, ông Hà bảo, nơi đây phục dựng sẽ sạch đẹp, thoát cảnh đổ nát hoang tàn lòng người vui lắm. Rồi ông ngâm bài thơ đã được phổ nhạc: “Mai em về Hải Vân đẹp lắm…/ Bóng mây bay cứ quyện lưng đèo/ Như tóc em quàng vào anh muôn ngả….”.
Rồi đây, Hải Vân Quan sẽ sống lại đúng với những giá trị thực của một Đệ nhất hùng quan.
Source: tienphong.vn