Tiềm năng lớn, hiệu quả thấp
Khu vực miền Trung và Tây Nguyên bao gồm 14 tỉnh, thành phố được phân tách thành hai khu vực có sự khác biệt về điều kiện tự nhiên khá rõ nét. Vùng duyên hải Nam Trung Bộ gồm các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận. Đây là khu vực có khí hậu ấm áp quanh năm với nhiều bãi biển đẹp, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, tài nguyên đặc sắc, rất thuận lợi để phát triển sản phẩm du lịch khám phá, nghỉ dưỡng biển. Khu vực Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng, có khí hậu mát mẻ, thiên hiên hùng vĩ, nhiều thác nước, khu bảo tồn thiên nhiên tươi đẹp, có nền văn hóa đa dạng, đặc sắc, rất thuận lợi cho phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, lễ hội. Miền Trung và Tây Nguyên còn có nhiều khả năng kết nối với các khu vực trong cả nước và với Lào, Cam-pu-chia.
Mặc dù có rất nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng sự phát triển của ngành "công nghiệp không khói" trong khu vực thời gian qua vẫn diễn ra chậm chạp, hiệu quả thấp. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch), năm 2013, tổng doanh thu từ khách du lịch toàn vùng chỉ chiếm 15% so với cả nước, số doanh nghiệp lữ hành quốc tế trên địa bàn cũng chỉ chiếm 10% so với cả nước. Ngoài các địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng có ngành du lịch phát triển khá sôi động thì các tỉnh còn lại hoạt động du lịch chưa phát triển.
Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, sở dĩ du lịch miền Trung và Tây Nguyên chưa có sự bứt phá là do quá trình đầu tư dàn trải, thiếu điểm nhấn. “Miền Trung có quá nhiều cảnh đẹp nhưng chẳng có điểm du lịch nào tỏa sáng tầm cỡ châu lục và thế giới. Chất lượng các điểm du lịch chỉ ở mức “làng nhàng”, tên tuổi trên bản đồ du lịch thế giới chỉ "mờ mờ, ảo ảo". Ông Nguyễn Xuân Tiến, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, thẳng thắn nhìn nhận: “Thời gian qua, Lâm Đồng đã ký văn bản hợp tác phát triển du lịch với nhiều tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, việc liên kết mới chỉ dừng lại ở ý chí của lãnh đạo các địa phương. Thực tế nhiều nơi vẫn đang phát triển du lịch theo kiểu mạnh ai nấy làm”. Tiến sĩ Trần Du Lịch, Trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung, cho biết thêm: “Năm 2013, chúng tôi đã lựa chọn và đưa ra 100 sản phẩm du lịch đặc trưng tiêu biểu của khu vực. Tuy nhiên, các sản phẩm này cũng chưa thực sự hấp dẫn”.
Tăng cường liên kết, tạo điểm nhấn
Làm thế nào để khắc phục tình trạng manh mún, kém phát triển của du lịch miền Trung và Tây Nguyên? PGS, TS Trần Đình Thiên cho rằng: “Quá trình đầu tư cần có trọng tâm, trọng điểm. Như vậy mới có thể tạo nên những thành phố, điểm du lịch chất lượng cao, mang tầm quốc tế. Trong vấn đề này, Việt Nam nên học tập một số quốc gia trong khu vực. Ví dụ, Thái Lan nhiều năm qua đã tập trung đầu tư cho hai điểm là Phu-kẹt và Pa-tay-a; In-đô-nê-xi-a tập trung cho Ba-li và đã biến các điểm du lịch này trở nên chói sáng trên bản đồ du lịch thế giới. Đây chính là những thỏi nam châm hút khách du lịch mạnh mẽ”.
Liên kết trong hoạt động du lịch hiện nay vừa là xu hướng, vừa là giải pháp nhằm đa dạng hóa sản phẩm, khai thác thế mạnh của từng địa phương, tăng thời gian lưu trú và sự chi tiêu của du khách. Về vấn đề này, ông Trần Du Lịch cho rằng, các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên có thể liên kết với nhau thành những nhóm để xây dựng các tour-tuyến, sản phẩm du lịch đặc sắc, cụ thể như: Nhóm 1 gồm: Huế-Đà Nẵng-Quảng Nam-Quảng Ngãi; Nhóm 2 gồm: Bình Định-Phú Yên-Gia Lai-Kon Tum; Nhóm 3 gồm: Lâm
Đồng-Đắc Lắc-Khánh Hòa-Ninh Thuận-Bình Thuận-Đắc Nông. “Tất nhiên, sự liên kết này phải do doanh nghiệp và người dân thực hiện. Do đó, cần phát huy vai trò của Hiệp hội du lịch các địa phương. Bên cạnh đó, chính quyền cần tăng cường hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách, tổ chức các hoạt động kết nối”- TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Khi làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên về tình hình phát triển du lịch, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng: “Đối với khu vực miền Trung và Tây Nguyên, thời gian tới, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cần rà soát lại công tác quy hoạch phát triển, xác định trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún trong đầu tư. Ngoài việc phát triển những sản phẩm du lịch đặc thù, các địa phương cần phải tiếp tục cải thiện về cơ chế, chính sách, tăng cường liên kết, hợp tác, đưa miền Trung và Tây Nguyên trở thành vùng du lịch trọng điểm theo chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020”.
Nguồn: http://news.skydoor.net