Công ty trực thăng miền Nam (VNH South) đã thực hiện chuyến bay đầu tiên cho Công ty Cổ phần Đầu tư Times Square chiều 9/6, nhằm kiểm tra việc thực nghiệm đón trả khách tại sân bay Tân Sơn Nhất và bãi đáp trực thăng trên tòa nhà Times Square (quận 1) theo giấy phép bay số 2664/TC - QC của Cục Tác chiến, phê duyệt ngày 30/05/2017.
Trước đó, vào ngày 5/5, các đơn vị liên quan đã tiến hành việc bay thử để kiểm tra bãi đáp trực thăng trên tòa nhà này, và kiểm tra, đánh giá các thông số kỹ thuật của bãi đỗ trực thăng; thông số đường bay; phương thức bay khi trực thăng hạ, cất cánh tại bãi đỗ trực thăng trên nóc nhà, làm cơ sở xây dựng phương thức hoạt động bay. Được biết, ngoài bãi đáp trực thăng của tòa nhà Times Square, hiện TP.HCM có khoảng 10 sân đậu trực thăng trên các tòa nhà cao tầng như tòa tháp Bitexco, khách sạn Tân Sơn Nhất Sài Gòn, Trung tâm thương mại Diamond Plaza...
Trước đó, Bộ Tổng tham mưu quân đội đã đồng ý cho phép xây dựng, bố trí sân đỗ trực thăng trên nóc tòa nhà Times Square và mở đường bay trực thăng để phục vụ bay hàng không chung, cứu hộ cứu nạn, phòng chống thảm họa, bay cấp cứu y tế trong vùng trời TP.HCM.
Khoảng 13h25, chiếc trực thăng mang số hiệu VN-8602 cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất, bay vòng qua địa phận quận Tân Phú và hướng về quận 1. Đến 14h, trực thăng xuất hiện tại quận 1 và bay lướt qua tòa nhà Vietcombank (tòa nhà cao thứ 2 TP.HCM hiện nay).
Chiếc trực thăng dần giảm tốc độ rồi hạ cánh xuống bãi đáp của tòa nhà Times Square. Đây là chặng bay mà công ty này phối hợp với VNH South ký hợp đồng theo nguyên tắc dài hạn, để bay phục vụ khách hạng sang, lãnh đạo tòa nhà Times Square và khách lưu trú tại khách sạn Reverie Sài Gòn di chuyển từ bãi đáp Times Square đi sân bay Tân Sơn Nhất và ngược lại.
Hợp đồng cũng đồng thời mở rộng khai thác từ bãi đáp Times Square và sân bay Tân Sơn Nhất đi các điểm khác ở khu vực phía Nam.
Trên bãi đáp trực thăng của tòa nhà Times Square được gắn đèn tín hiệu xung quanh tấm ma sát. Việc đậu, cất cánh trong chuyến bay chiều nay diễn ra khá nhanh. Các thành viên thực hiện kiểm tra đón trả khách trên bãi đáp chỉ trong vòng 5 phút.
Chiếc trực thăng thực hiện tuyến vận chuyển này thuộc loại EC-155 B1 do Airbus Helicopters (Pháp) sản xuất, được trang bị hai động cơ Arriel 2C2, một phiên bản tiếp theo của họ máy bay Dauphin nổi tiếng bởi tính linh hoạt và sang trọng. EC-155 B1 có năm cánh quạt với độ rung thấp, mức độ tiếng ồn dưới 4,6 dB (dưới mức quy định của ICAO), phù hợp trong vận chuyển hành khách trên biển và dùng cho các chuyến bay chuyên cơ.
Trọng tải cất cánh tối đa: 4.800 kg, số ghế 2 phi công và 10-12 hành khách. Động cơ gồm 2 động cơ Turbomeca Arriel 2C2, công suất 800 hp. Tốc độ bay: 225-276 km/h, tầm bay tối đa: 671 m.
Source: Zing
Tour ghép Đà Nẵng 3 ngày 2 đêm, Tour Đà Nẵng 4 ngày 3 đêm, Tour Bà Nà Hills