Phát biểu tại tọa đàm, ông Văn Bá Sơn, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam cho biết, Quảng Nam là tỉnh có nhiều tiềm năng thúc đẩy du lịch nông thôn. Với lợi thế lớn về thương hiệu du lịch văn hóa, Quảng Nam có cơ hội thúc đẩy du lịch nông nghiệp nông thôn để làm vệ tinh cho hai di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn.
Tỉnh Quảng Nam đã ban hành và triển khai nhiều kế hoạch về phát triển du lịch nông nghiệp và đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Trong đó, nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp độc đáo, chất lượng đã được khai thác một cách bài bản, có định hướng, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách theo các nhóm mục tiêu khác nhau và được du khách trong nước và nước ngoài đón nhận.
Các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Quảng Nam có thể kể đến như làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, rừng dừa Bảy Mẫu, làng du lịch cộng đồng Cẩm Kim, làng Củi Lũ (Hội An); Làng văn hóa du lịch Làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước), Điểm du lịch Lò Gạch Cũ (Duy Xuyên)... Một số điểm cũng đang hình thành đưa vào đón khách: Làng Mường (Bắc Trà My), Làng du lịch cộng đồng Cửa Khe (Thăng Bình), Làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú (Điện Bàn)...
Du lịch nông nghiệp, nông thôn đã góp phần tạo ra việc làm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng suất lao động ở khu vực nông thôn, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Phát triển du lịch khu vực nông thôn cũng góp phần bảo tồn, phát huy, lan toả các giá trị văn hoá, thiên nhiên đặc sắc và bảo vệ môi trường tại các vùng quê có phát triển du lịch.
"Tuy nhiên du lịch nông nghiệp, nông thôn Quảng Nam vẫn chưa thật sự có chiều sâu. Phần lớn sản phẩm mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm ở mức đơn giản. Liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch còn yếu, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho người dân làm du lịch chưa được quan tâm đúng mức. Một trong những rào cản lớn là chính sách, thủ tục về đất nông nghiệp phục vụ phát triển du lịch còn khó khăn, vướng mắc" - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Văn Bá Sơn nhận định.
Theo ông Phạm Thanh Tùng - Phó Viện trưởng Viện kinh tế Du lịch nông nghiệp, nhu cầu của khách du lịch hiện nay là du lịch sâu, có hoạt động trải nghiệm, học tập. Vì những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng tiêu cực, đại dịch và những bất ổn đã khiến nhiều du khách muốn rời đô thị để tìm về thiên nhiên và xem trong hệ sinh thái.
"Với các tour du lịch nông nghiệp cần chỉn chu hoàn thiện sản phẩm rồi mới xúc tiến, truyền thông tránh gây thất vọng cho du khách, không tạo ra những tour du lịch "nông", ông Tùng đề xuất.
Lò gạch cũ Duy Xuyên đang nổi lên là điểm đến du lịch nông thôn hấp dẫn của Quảng Nam trong thời gian gần đây. Ảnh: Q.T
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Quốc Tuyển – Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Amber cho rằng khi doanh nghiệp tham gia phát triển du lịch nông thôn sẽ huy động và quản lý nguồn vốn để đầu tư vào lĩnh vực này. Từ đây sẽ góp phần khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch nông thôn bằng cách phát triển các gói tour, trải nghiệm và dịch vụ hấp dẫn và tìm kiếm cơ hội đầu tư và phát triển các sản phẩm du lịch nông thôn.
Ông Lê Hoàng Hà - Giám đốc Công ty Du lịch Emic Travel cho rằng, chúng ta cần thay đổi tư duy tiếp cận với du lịch nông nghiệp, trong đó có việc không thể gắn suy nghĩ du lịch nông nghiệp gắn với du lịch giá rẻ.
Cũng tại tọa đàm, các đại biểu thảo luận, chia sẻ nhiều thông tin giá trị về xu hướng phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn; vai trò của các bên liên quan trong phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn; giải pháp thúc đẩy liên kết giữa các chủ thể liên quan cũng như giữa ngành nông nghiệp với ngành du lịch...
Nguồn: Trung tâm thông tin du lịch