Với cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, văn hóa ẩm thực độc đáo, con người thân thiện, mảnh đất vùng cao này sẽ mang đến cho du khách trải nghiệm ấn tượng, đáng nhớ.
Những đồi hoa dã quỳ vàng rực, lá phong hương chuyển màu đỏ thắm hay cái lạnh tê người mà đẹp ngẩn ngơ của băng giá… làm nên sức hút khó cưỡng của mùa du lịch cuối năm ở Cao Bằng. Núi ẩn mình sau làn sương mai, cung đường đèo quanh co, uốn lượn nối dài đến tận mây trời, hoa đua nhau khoe nở bất chấp giá lạnh, chẳng ngại sỏi đá. Giữa bộn bề cuộc sống, nếu cần nơi để đi “trốn”, hòa mình với thiên nhiên, sống chậm lại thì miền non cao này chính là điểm đến lý tưởng. Du lịch Cao Bằng mùa đông để cảm nhận sự đan xen giữa vẻ đẹp hùng vĩ và nét thơ mộng, trữ tình, tận tưởng bầu không khí trong lành cùng cơn gió lạnh xuyên qua từng lớp áo.
Khung cảnh núi non hùng vĩ, sương mây huyền ảo với góc nhìn từ trên đỉnh Phía Bắc (Nguyên Bình)
Mở đầu cho hành trình khám phá, du khách có thể đến tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng). Không chỉ là chứng tích lịch sử năm tháng hoạt động cách mạng của Bác Hồ, nơi đây còn sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên trong trẻo, khoáng đạt nơi núi rừng Việt Bắc. Dòng suối Lê-nin xanh màu ngọc bích, êm ả, hiền hòa dưới tiết trời se lạnh; bầu trời xanh trôi lững lờ những áng mây trắng, rớt rơi vài giọt nắng vàng. Không gian tựa cổ tích khiến du khách cảm thấy thư thái, dễ chịu, thả hết tâm trí vào cảnh vật.
Mùa đông - mùa nước cạn nhưng cũng không làm cho những dòng sông, con suối, ngọn thác nơi biên cương mất đi vẻ đẹp vốn có. Sông Quây Sơn (Trùng Khánh) xanh biếc len lỏi qua những vùng núi đá vôi, khi thì gập ghềnh thác nhỏ, lúc lại phẳng lặng như gương soi mặt hồ, đến đoạn cuối đổ xuống tạo thành dòng thác Bản Giốc kỳ vĩ, nên thơ. Ánh nắng mùa đông ôm lấy vẻ trầm mặc của núi rừng, cỏ cây làm cho bức tranh thiên nhiên thêm phần quyến rũ.
Khám phá điểm di sản Mắt Thần Núi, trải nghiệm cắm trại qua đêm, mở tiệc nướng ngoài trời, ngắm sao… là một sự lựa chọn tuyệt vời. Vào mùa khô, thung lũng rộng lớn dưới chân núi trở thành thảo nguyên xanh với những chú ngựa, chú bò đang thong dong gặm cỏ...
Những ngày chớm đông, du khách kháo nhau nhất định phải đến Nguyên Bình, lên đỉnh Phja Oắc để “săn mây”, trải nghiệm cảm giác bồng bềnh như đi dạo trên bầu trời. Càng lên cao, núi càng vời vợi và mây càng huyền ảo bên rừng già. Có lúc bạn sẽ bắt gặp những biển mây trong nắng sớm, có lúc mây đợi tới tận chiều hoàng hôn buông, nhưng đôi khi giữa trưa cũng có thể ngắm thiên đường mây mênh mông. Phóng tầm mắt ra xa, thưởng ngoạn khung cảnh thần tiên, hít hà không khí trong lành thật sảng khoái, có lẽ quãng đường dài thấm mệt đã qua không hề lãng phí. Nằm ở độ cao 1.931 m so với mặt nước biển nên khi nhiệt độ giảm sâu xuống dưới 0 độ C, đỉnh núi xuất hiện băng giá phủ kín các cành cây, ngọn cỏ. Hiện tượng thiên nhiên kỳ thú thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, chụp ảnh checkin.
Mỗi độ tháng 11, 12 hằng năm là mùa khoe sắc của hoa dã quỳ, hoa trạng nguyên, hoa cải, tam giác mạch… Những bông hoa núi rừng tuy không kiêu sa, lộng lẫy nhưng vẫn đẹp dịu dàng, mộng mơ khiến người ta phải xao xuyến. Cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 75 km, theo tuyến đường về các huyện miền Đông, đến 2 xã Thống Nhất, Thị Hoa (Hạ Lang), du khách sẽ được checkin với bạt ngàn hoa dã quỳ bung nở bừng sáng cả góc trời. Đâu đó trên những cánh đồng, thung lũng hay sườn đồi huyện Quảng Hòa, Trùng Khánh là màu trắng tinh, phơn phớt hồng của muôn đóa hoa tam giác mạch xinh đẹp, mỏng manh.
Cao Bằng còn nổi tiếng với mùa cây thay lá ở hồ Bản Viết (Trùng Khánh) đẹp không kém trời Âu. Trời càng lạnh, lá cây sau sau càng chuyển màu vàng, đỏ rực rỡ, sống động như rừng phong ôn đới. Những tán cây in bóng xuống mặt hồ yên ả, không gian tĩnh lặng chỉ có tiếng chim hót, tiếng gió reo và tiếng lá xào xạc. Vẻ đẹp mê hoặc của nơi này đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho rất nhiều họa sĩ, nhiếp ảnh gia trong nước, quốc tế.
Thời điểm cuối năm là lúc các làng nghề truyền thống trở nên tất bật, rộn ràng. Du khách có thể ghé thăm làng nghề đường phên Bó Tờ (Quảng Hòa) trăm năm đỏ lửa, làng rèn Phúc Sen (Quảng Hòa) với sản phẩm dao được ví là “chặt sắt không mẻ, chặt đá không mòn” hay làng hương thảo mộc Nà Kéo, làng dệt thổ cẩm Luống Nọi (Hà Quảng)…
Một trong những điều khiến mùa đông Cao Bằng thu hút du khách hơn bao giờ hết chính là văn hóa ẩm thực. Vài chiếc bánh áp chao vàng ruộm, bát bánh trôi, bánh đúc, phở vịt quay nóng ấm hay xôi ngũ sắc dẻo thơm, lợn quay đậm vị…, những món ngon ấm bụng chắc chắn sẽ là mảnh ghép hoàn hảo cho chuyến du lịch đón gió mùa về.
Mỗi dịp cuối tuần, tại Phố đi bộ Kim Đồng và Phố đi bộ ven sông Bằng (Thành phố) diễn ra nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật, thể dục, thể thao nổi bật. Du khách được hòa mình vào dòng người đông vui, náo nhiệt, thưởng thức ẩm thực đường phố, trải nghiệm nhịp sống về đêm của một thành phố trẻ với hoạt động dân vũ sôi động, những trò chơi truyền thống như ô ăn quan, kéo co, nhảy dây, nhảy sạp...
Nguồn: Báo Cao Bằng điện tử