Dòng sông Nho Quế xanh biếc chảy giữa những vách núi đá tai mèo sừng sững, từ lâu đã trở thành một trong những biểu tượng của cao nguyên đá Hà Giang. Sông Nho Quế được vinh danh là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị của Việt Nam. Nếu ai đó từng được ngắm nhìn, khám phá vẻ đẹp tuyệt tác từ thiên nhiên của mảnh đất Hà Giang, hẳn cũng dành những mỹ từ khi lần đầu được ngắm nhìn một phiên bản khác của "sông Nho Quế" ở huyện vùng cao Đà Bắc.
Đánh thức dòng "nho quế”
Việc ngăn đập xây dựng công trình thế kỷ - Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình đã tạo nên hồ nhân tạo khổng lồ với cảnh sắc thiên nhiên kỳ vỹ. Xưa kia, ở dưới mặt hồ Hoà Bình là lớp lớp ngọn núi mấp mô, nay tạo thành những hòn đảo ẩn hiện. Vì thế hồ Hoà Bình được ví von là Vịnh Hạ Long trên cạn với vô số hòn đảo, vịnh nước sâu. Dòng "Nho Quế" ở huyện vùng cao Đà Bắc mà chúng tôi đang đề cập đến chính là kết quả từ việc ngăn sông Đà. Đó là một nhánh sông thuộc địa phận xóm Giằng, xã Cao Sơn chạy qua xóm Sổ, xã Trung Thành. Nhánh sông với cảnh sắc kỳ vỹ này đã hiện diện hàng chục năm sau khi xây dựng công trình thuỷ điện Hoà Bình, có điều phải đến khi tuyến đường Cao Sơn - Trung Thành được mở thì chúng ta mới có cơ hội được ngắm nhìn tuyệt tác này.
Cùng đồng chí Ngô Văn Cường, Bí thư Đảng uỷ xã Cao Sơn, chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá dòng "Nho Quế" của Đà Bắc. Từ trung tâm UBND xã qua xóm Tằm, rồi đến con đường mới mở xuống xóm Giằng. Con đường này đối diện tuyến đường mới mở từ xã Cao Sơn đi Trung Thành, được ngăn cách bởi một nhánh sông Đà. Trên con đường có thể dừng lại để ngắm trọn hơn 100 nóc nhà xóm Giằng và con đường Cao Sơn - Trung Thành uốn lượn trên lưng chừng núi. "Nhánh sông chạy dọc theo tuyến đường mới thực chất là dòng suối Giằng. Song từ khi ngăn đập thuỷ điện Hoà Bình, nước dâng cao, mùa nước vào tận cầu suối Giằng, tạo nên một nhánh sông rất đẹp. Còn thời điểm này, nước cạn hơn nên có thể nhìn thấy rõ đoạn suối Giằng chảy qua địa phận xóm Giằng”, đồng chí Ngô Văn Cường cho biết.
Trên hành trình khám phá nhánh sông, chúng tôi gặp cụ Đinh Văn Son, người dân xóm Giằng. Tranh thủ lúc đi chăn trâu, cụ Son ngồi đan lưới đánh cá. Sinh ra và lớn lên ở xóm Giằng nên những ký ức tuổi thơ gắn liền với dòng suối dồi dào tôm, cá là một phần kỷ niệm luôn khắc sâu trong tâm khảm cụ Son. Theo lời cụ, trước khi xây dựng công trình thuỷ điện Hoà Bình, suối Giằng chảy luồn lách dưới chân núi, rồi chảy ra dòng sông Đà. Con suối có nhiều tôm, cá nên hầu như gia đình nào trong xóm cũng có chài, lưới để đánh bắt. Ở khu vực tạo thành dòng nước sâu như hiện nay, xưa kia cụ Son và những người bạn vẫn hay đi chăn trâu, lấy măng, lấy củi. Có lần đi theo suối Giằng cả ngày trời, rồi vượt núi sang tận xóm Sổ, xã Trung Thành.
"Trước đây, nhánh sông nằm sâu trong núi, đi lại rất khó khăn. Nay có đường mới mở, đi sang xóm Sổ chỉ 15 phút. Ngày trước ít khi có người lạ vào trong xóm, nhưng nay xóm thành trung tâm đi lên các xã vùng cao nên lượng xe đi lại đông. Nhiều người thích thú vì thấy nhánh sông này đẹp nên dừng lại chụp ảnh”, cụ Son chia sẻ.
Điểm dừng chân lý tưởng
Quả đúng như chia sẻ của cụ Son, nhánh sông mang vẻ đẹp kỳ vỹ với hai bờ sông là hai dãy núi chạy song song. Nếu không có tuyến đường Cao Sơn - Trung Thành được mở, "phiên bản Nho Quế" của vùng cao Đà Bắc giờ vẫn ẩn mình ở trong lòng núi. Con đường mở ở lưng chừng núi đá nên quanh co, uốn lượn và sừng sững những vách đá dựng đứng. Mùa này, một số loại cây rừng đang trổ hoa, đặc biệt là những bụi lau, sậy dọc theo tuyến đường đã tạo nên bức tranh sơn thuỷ hữu tình.
Theo quan sát, thời điểm này nước sông xanh biếc, ở đoạn nhánh sông mới chỉ có vài lồng nuôi cá, còn lại vẫn giữ nguyên nét hoang sơ ở núi rừng. "Đi theo nhánh sông này sẽ ra bến thuyền xóm Lanh. Từ bến thuyền có thể khám phá các điểm du lịch nổi tiếng trên hồ Hoà Bình. Mùa nước dâng cao, chạy thuyền vào tận xóm Giằng. Bên cạnh bản du lịch cộng đồng xóm Sưng, xã Cao Sơn cũng đang hướng tới phát triển du lịch ở các xóm Bai, nhất là xóm Giằng, khi mà nhánh sông này được nhiều người biết đến”, Bí thư Đảng uỷ xã Cao Sơn Ngô Văn Cường chia sẻ.
Bên cạnh nhánh sông được ví như phiên bản của sông Nho Quế, xóm Giằng là bản làng có nhiều yếu tố để tạo thành điểm đến hấp dẫn trong tương lai. Theo ông Đinh Văn Lâm (71 tuổi), khi mới lập xóm, Giằng chỉ có 7 nóc nhà, nằm tựa vào núi, hướng ra dòng suối Giằng. Nay, "đất lành” này đã có trên 100 nóc nhà với 4 dân tộc anh em cùng chung sống, gồm: Kinh, Mường, Tày, Dao. "Chúng tôi vẫn giữ nguyên phong tục, tập quán của dân tộc mình. Vào những ngày hội, bà con dân tộc nào thì mặc trang phục và biểu diễn các tiết mục văn nghệ của dân tộc mình”, ông Lâm cho hay. Với ông Lâm và người dân xóm Giằng, gìn giữ nét văn hoá lâu đời của dân tộc là nhiệm vụ tối thượng. Sự đa dạng về màu sắc văn hoá cũng là "điểm cộng” để xóm Giằng nghĩ về hướng phát triển du lịch trong tương lai.
Dòng suối Giằng chạy giữa khu ruộng bậc thang của xóm được coi là một trong đoạn đẹp nhất của con suối. Thời điểm bắt đầu vào mùa khô nhưng nguồn nước vẫn dồi dào, trong xanh. Ở giữa con suối là bãi cát trải rộng vài trăm mét, phía thượng nguồn vẫn còn những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Anh Lường Văn Hậu, Trưởng xóm Giằng cho biết: Từ khi có tuyến đường Cao Sơn - Trung Thành, nhiều người dân trong huyện đã biết đến đoạn suối Giằng. Mùa hè, lượng người đổ về suối ngày càng đông. Đặc biệt, nhiều đoàn đã đến cắm trại, nướng gà, nướng cá ở ngay bãi cát giữa lòng suối Giằng. Với cảnh sắc đẹp, giao thông thuận lợi, chúng tôi rất mong muốn một ngày không xa, xóm có thể trở thành điểm dừng chân của du khách.
Để phát triển du lịch cần nhiều yếu tố. Nhưng với nhánh sông đẹp tựa như sông Nho Quế thì người dân xóm Giằng, xã Cao Sơn cũng như các xã vùng cao Đà Bắc có quyền tự hào về một thắng cảnh đang thức giấc. Mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vỹ, nhánh sông tuyệt đẹp được tạo thành từ việc ngăn dòng sông Đà để xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình sẽ là điểm check in, khám phá mới đầy ấn tượng ở vùng cửa ngõ Tây Bắc.
Báo Hòa Bình điện tử - baohoabinh.com.vn - Đăng ngày 08/02/2024