DANH MỤC TOUR    
DA NANG XANH
Thuê xe du lịch Đà Nẵng
tour ghep da nang

Đà Nẵng phấn đấu trở thành đô thị đặc biệt vào năm 2050

 UBND thành phố Đà Nẵng vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt đồ án “Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”. Với hàng loạt các điều chỉnh mới, Đà Nẵng hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố đến năm 2030 trở thành đô thị hiện đại, cấp quốc gia; là đô thị trung tâm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng miền Trung - Tây Nguyên; phát triển không gian thành phố theo hướng toàn diện và bền vững.
Theo quy hoạch mới này, Đà Nẵng phấn đấu trở thành thành phố đặc biệt vào năm 2050, có cơ sở hạ tầng đồng bộ, hoàn chỉnh, giữ vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; là thành phố trung tâm cấp quốc gia hướng tới đô thị quốc tế (tài chính, dịch vụ, du lịch, công nghệ…).
 
Đà Nẵng được quy hoạch trở thành đô thị trung tâm 
 
Xây dựng hệ thống các trung tâm chuyên ngành
 
Để đáp ứng với quy mô dân số dự báo 1,6 triệu người vào năm 2020 và 2,5 triệu người vào năm 2030, Đà Nẵng sẽ phát triển hệ thống các trung tâm chuyên ngành theo những địa bàn khác nhau. Trong đó, trung tâm hành chính, công trình sự nghiệp, diện tích khoảng 150 ha; gồm: trung tâm hành chính - chính trị thành phố đặt tại quận Hải Châu, trung tâm hành chính quận, trung tâm hành chính các xã và các điểm thôn mới thuộc huyện Hòa Vang.
 
Trung tâm văn hóa - nghệ thuật có diện tích khoảng 550 ha, bố trí tại phường Hòa Cường, quận Hải Châu; địa bàn trung tâm các quận và các điểm dân cư nông thôn huyện Hòa Vang.
 
Trung tâm y tế sẽ được bố trí trong khoảng 231 ha; bao gồm: Trung tâm y tế cấp vùng, quốc gia: bố trí ở khu đô thị cũ thuộc quận Hải Châu. Trung tâm y tế đa khoa và các trung tâm y tế chuyên khoa cấp thành phố bố trí tại quận Hải Châu và quận Ngũ Hành Sơn.
 
Trung tâm giáo dục - đào tạo với diện tích khoảng 1.996 ha, bao gồm: Các trung tâm giáo dục đào tạo cấp vùng, quốc gia và quốc tế; bố trí xây dựng làng đại học mới tại Hòa Vang, Ngũ Hành Sơn.
 
Trung tâm thể dục - thể thao có diện tích khoảng 491 ha, gồm: Các trung tâm thể dục - thể thao, nghỉ ngơi giải trí cấp vùng, cấp quốc gia bố trí tại phía Bắc phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn); nâng cấp, cải tạo các trung tâm thể dục - thể thao hiện có tại các điểm dân cư.
 
Trung tâm nghiên cứu khoa học có diện tích khoảng 145 ha, bố trí tại quận Hải Châu, huyện Hòa Vang. Trung tâm công nghệ - bưu chính viễn thông có diện tích khoảng 4 ha; bố trí tại phường Hòa Cường (quận Hải Châu), Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn).
 
Thành phố sẽ bố trí 130 ha xây dựng trung tâm dịch vụ, thương mại, tài chính - ngân hàng. Trong đó, phát triển mới các trung tâm thương mại, siêu thị tại các khu trung tâm, khu đô thị, xây dựng trung tâm thương mại phức hợp cấp quốc tế tại sân vận động Chi Lăng (quận Hải Châu); khu phức hợp thương mại, văn phòng Capital Square - World Trade Centre (quận Sơn Trà).
 
Ngoài ra, sẽ xây dựng khu trung tâm thương mại tài chính - ngân hàng tại các trục đường Nguyễn Văn Linh, khu vực trung tâm phố cũ Hùng Vương, Lê Duẩn… (quận Hải Châu), Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng (quận Sơn Trà). Đồng thời, nâng cấp trung tâm thương mại chợ Hàn, chợ Cồn, bố trí quỹ đất và đầu tư phát triển hệ thống tổng kho bãi logistics, kho dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ cho xuất khẩu hàng hóa nội địa.
 
Trung tâm dịch vụ du lịch có diện tích khoảng 3.700 ha, Trong đó, về dịch vụ du lịch biển, sẽ bố trí các khu nghỉ dưỡng cao cấp, hệ thống khách sạn, dịch vụ du lịch từ khu vực bán đảo Sơn Trà đến giáp Quảng Nam; phát triển khu vực du lịch biển Xuân Thiều - mỏm Nam Ô - sông Trường Định - đèo Hải Vân. Về du lịch sinh thái sông, hồ, sẽ phát triển dọc các sông Hàn - Vĩnh Điện - Cẩm Lệ, Cổ Cò, Cu Đê, hồ Đồng Nghệ. Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng trên núi bao gồm: quần thể khu du lịch Bà Nà, Suối Mơ; phía nam đèo Hải Vân, khu du lịch Làng Vân; Du lịch di tích lịch sử: Tập trung ở khu công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn, khu di tích K20, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, khu di tích Nghĩa Trũng Khuê Trung, khu di tích thành Điện Hải…
 
Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật
 
Về hệ thống giao thông đối ngoại, thành phố có những điều chỉnh quy hoạch mới theo hướng thuận tiện, hiện đại và đáp ứng tốt hơn nhu cầu lưu thông, phát triển kinh tế - xã hội.
 
Theo đó, thành phố sẽ tiếp tục nâng cấp quốc lộ 1A (đoạn từ Quảng Nam đến Đà Nẵng), mở rộng tuyến đường tránh Nam hầm Hải Vân (giai đoạn 2), nâng cấp đường quốc lộ 14G đi Tây Giang (Quảng Nam). Ngoài ra, sẽ từng bước chuyển quốc lộ 1A thành đường phố chính đô thị (đoạn từ cầu Nam Ô đến cầu vượt Hòa Cầm).
 
Đối với hệ thống đường sắt, Đà Nẵng sẽ di dời ga đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố về Hòa Minh (quận Liên Chiểu) và không nâng cấp ga kỹ thuật tàu hàng hóa Kim Liên.
 
Không gian đô thị Đà Nẵng sẽ được thiết kế hài hòa, hợp lý, đáp ứng 
 
Bên cạnh đó, sẽ nâng cấp Sân bay quốc tế Đà Nẵng, từng bước đến năm 2020 chuyển thành sân bay dân dụng thuần túy (chuyển sân bay phục vụ quân sự về sân bay Chu Lai). Lượng hành khách tiếp nhận sẽ lên mức 6 triệu lượt khách/năm; lượng hàng hóa tiếp nhận: 200.000 tấn/năm; lượng hành khách giờ cao điểm: 3.000 lượt/giờ cao điểm.
 
Đến năm 2030, thành phố sẽ mở rộng ga hàng không quốc tế về phía Nam (gấp 3 lần hiện nay), đảm bảo 10 đến 15 triệu khách/năm. Sân bay Nước Mặn chuyển đổi thành sân bay taxi, trực thăng và thủy phi cơ.
 
Đối với đường thuỷ, sẽ di chuyển cảng xăng dầu Mỹ Khê sang phía vịnh Đà Nẵng; xây dựng mới cảng Liên Chiểu; nâng cấp, mở rộng khu hậu cần cảng Tiên Sa với quy mô 5,5 triệu tấn/năm và 300.000 lượt khách/năm. Trong đó, riêng giao thông thủy nội địa, sẽ tập trung xây dựng 7 bến thuyền tại các khu du lịch ven bán đảo Sơn Trà, 3 bến tại các bãi biển như: Phạm Văn Đồng, T20, Non Nước và 10 bến du thuyền dọc sông Hàn. Đồng thời, phối hợp với tỉnh Quảng Nam khơi thông nhánh sông Cổ Cò nhằm phục vụ du lịch đường thủy từ Đà Nẵng đi Hội An.
 
Về hệ thống giao thông đối nội, sẽ xây dựng mới: đường Vành đai phía Nam; đường Vành đai phía Tây (bắt đầu từ đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quốc đến đường Hồ Chí Minh). Ngoài ra, sẽ xây dựng tuyến đường ven sông phía bắc sông Cu Đê và phía nam sông Cầu Đỏ tạo thành các trục đường chính nối các khu đô thị ven sông; xây dựng đường Hoàng Văn Thái nối dài đi Bà Nà, đường Trục 1, 2 Tây Bắc, đường Nguyễn Tất Thành nối dài, đường vào khu du lịch Làng Vân...
 
Hệ thống giao thông công cộng sẽ bao gồm 15 tuyến hành lang xe buýt, 8 tuyến hành lang BRT, 3 tuyến metro kết nối hầu hết với các khu du lịch lớn như: bán đảo Sơn Trà, khu du lịch Bà Nà, Thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...; đồng thời, kết nối với Làng Đại Học, các khu công nghiệp và trung tâm thành phố.
 
Các nhà máy cấp nước - điện, các khu xử lý rác thải, trạm xử lý nước thải, các khu nghĩa trang, sẽ bố trí đồng bộ và hiện đại phù hợp với bán kính phục vụ của các khu đô thị. Trong đó, sẽ xây dựng nhà máy nước Hòa Liên (240.000 m3/ngày), nhà máy nước Cầu Đỏ 2 (80.000 m3/ngày); nâng công suất nhà máy nước Cầu Đỏ (170.000 m3/ngày); sửa chữa nâng cấp các hồ chứa nước, công trình thuỷ lợi và kiên cố hoá kênh mương đảm bảo nguồn nước phục vụ tưới 100% diện tích đất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản.
 
Ngoài ra, sẽ hoàn thành việc tách nước thải và nước mưa riêng, trạm XLNT Liên Chiểu, Hòa Xuân; xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung, công nghệ hiện đại, quy mô 2.000 tấn/ng.đ tại bãi rác Khánh Sơn; cải thiện hệ thống thoát nước mưa và nước thải (92 triệu USD) thuộc Dự án Phát triển bền vững (SCDP).
 
Với quy hoạch mới này, đến năm 2050, Đà Nẵng phấn đấu trở thành trung tâm giải trí, điểm đến du lịch mang tầm khu vực châu Á và thế giới, với định hướng phát triển hạ tầng để có thể tiếp đón 10 triệu lượt du khách/năm. Phát triển thành phố theo xu hướng hiện đại và gìn giữ bản sắc riêng; nâng cao đời sống văn hóa, xây dựng con người không chỉ có trí thức mà còn có đạo đức trong sáng, có tình cảm phong phú, lành mạnh, có năng lực sáng tạo và cảm thụ nghệ thuật. Đồng thời, tiếp tục hướng tới một thành phố môi trường, phát triển bền vững; mang lại sức khỏe, tuổi thọ và hạnh phúc cho người dân.
 

Danh mục tour